Về tác phẩm Hồng Lâu Mộng Tào Tuyết Cần

Thạch Đầu ký

Ban đầu, Hồng Lâu mộng có tên là Thạch đầu ký. Thạch Đầu Ký thuộc loại tác phẩm chương hồi, là một bộ trường thiên tiểu thuyết. Tào Tuyết Cần viết được 80 chương, theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, "chữ chữ đều toàn bằng máu và nước mắt". Tác phẩm ấy có thể được xem là toàn bộ những hồi ức đau thương của công tử Tào Tuyết Cần về những ngày vẻ vang và những ngày suy tàn của gia đình mình, của giai cấp mình. Tuy nhiên, vượt lên khỏi những hồi ức đó, Thạch Đầu Ký là tác phẩm với cái nhìn rất khách quan về bản chất ăn chơi, hưởng thụ của giai cấp quan lại quý tộc, đặc biệt là quan lại quý tộc triều Thanh và sự suy tàn của giai cấp ấy. Nói cách khác, khi xây dựng tác phẩm chương hồi này, Tào Tuyết Cần vừa đứng trên vị thế chủ quan của một người trong cuộc, vừa đứng ở vị thế khách quan của một chứng nhân.

Mới viết dang dở được 80 chương, Tào Tuyết Cần qua đời.

Hồng Lâu Mộng của Cao Ngạc

Những nhà nho đương thời đã được đọc 80 chương bản thảo của ông đều cảm thương cho một nhà văn lìa đời ở cái tuổi còn quá trẻ và đều có tham vọng kế tục sự nghiệp dang dở của ông. Tuy nhiên, họ không có được cái kinh nghiệm đau khổ của Tào Tuyết Cần. Nhiều người đã viết tiếp Thạch Đầu ký nhưng dư luận lúc đó đều đánh giá không đạt vì các bản viết tiếp đều cho tác phẩm kết cục có hậu.

Đến năm 1791, mới có một nhà văn quyết định kế tục và hoàn thành tâm nguyện cho Tào Tuyết Cần theo đúng tâm tư của ông. Người đó là Cao Ngạc.

Cao Ngạc tự là Vận Sĩ, hiệu là Hồng Lâu Ngoại Sĩ, từng làm quan dưới 2 triều Càn LongGia Khánh, trải qua lắm hoạn nạn trên hoạn lộ. Ông đã viết thêm 40 chương sau cho Thạch Đầu Ký căn cứ trên nền tảng, ý hướng và văn phong của Tào Tuyết Cần. Kết cục không có hậu của tác phẩm được đánh giá là phù hợp với phần đầu của Tào Tuyết Cần. Tác phẩm hoàn thành, Cao Ngạc đổi tựa lại là Hồng Lâu Mộng (Giấc Mơ Lầu Hồng), vừa phù hợp với nội dung tác phẩm, vừa mang dáng dấp của tâm hồn ông vì hiệu của ông là Hồng Lâu Ngoại Sĩ (người ngoài lầu hồng – không dính dáng gì đến công danh phú quý). Năm 1793, Hồng Lâu Mộng được in ra gồm 120 chương hồi, thực sự trở thành danh tác văn học cổ điển Trung Quốc, nhanh chóng được nhìn nhận như là một trong những tác phẩm xuất sắc trong hơn 300 tác phẩm chương hồi thuộc hai triều Minh – Thanh (1368 – 1911).

Quan hệ giữa Tào Tuyết Cần và Hồng lâu mộng

Trình Vĩ Nguyên trong lời tựa Hồng lâu mộng (bản Trình Giáp 1791 và bản Trình Ất 1792) viết: Hồng lâu mộng tiểu thuyết bản danh Thạch đầu ký, tác giả tương truyền bất nhất, cứu vị tri xuất tự hà nhân, duy thư nội ký Tuyết Cần Tào tiên sinh san cải số quá (tiểu thuyết Hồng lâu mộng nguyên tên Thạch đầu ký, tác giả tương truyền bất nhất, không biết do ai viết ra, duy trong sách ghi rằng Tuyết Cần Tào tiên sinh là người san cải, biên tập).

Từ năm 1921 Hồ Thích trong cuốn Hồng lâu mộng khảo chứng đã phát biểu: Tác giả Hồng lâu mộng là Tào Tuyết Cần.

Căn cứ chứng minh quan điểm này chủ yếu dựa vào lời phê của Chi Nghiễn Trai trong hồi 1: Tào Tuyết Cần ư Điệu Hồng hiên trung phi duyệt thập tải, tăng san ngũ thứ, toản thành mục lục, phân xuất chương hồi, tắc đề viết "Kim Lăng thập nhị thoa" (Tào Tuyết Cần ở hiên Điệu Hồng soạn duyệt trong mười năm, 5 lần sửa chữa, chia thành mục lục, phân định chương hồi, đề sách là "Kim Lăng thập nhị thoa"). Các bản Chi Nghiễn Trai trùng bình Thạch đầu ký có nhiều đoạn khẳng định tác giả là Tào Tuyết Cần, như bản Giáp Tuất hồi 1 phê rằng: Nhược vân Tuyết Cần phi duyệt tăng san, nhiên tắc khai quyển chí thử giá nhất thiên tiết tử hữu hệ thuỳ soạn? Túc kiến tác giả chi bút giảo hoạt chi thậm.

Minh Nghĩa, một nhà thơ thời Thanh trong bài thơ Đề Hồng lâu mộng viết: Tào Tử Tuyết Cần xuất sở soạn Hồng lâu mộng nhất bộ, bị ký phong nguyệt phồn hoa chi thịnh, cái kỳ tiên nhân vi Giang Ninh chức phủ. Kỳ sở vị Đại Quan Viên giả tức kim tuỳ viên cố chỉ. Tích kỳ thư vị truyền, thế tiên tri giả, dư kiến kỳ sao bản yên nhân mặc hương đắc quan Hồng lâu mộng tiểu thuyết điếu Tuyết Cần tam tuyệt cú (tính Tào).

Nhiều nhà Hồng học trong đó có Hồ ThíchChu Nhữ Xương căn cứ vào lời phê phi duyệt thập tải, tăng san ngũ thứ cho rằng tác giả Hồng lâu mộng là Tào Tuyết Cần. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Tào Tuyết Cần chỉ là người sửa chữa, biên tập chứ không phải là tác giả.

Tác giả đích thực?

Gần đây, một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng tác giả "Hồng lâu mộng" không phải là Tào Tuyết Cần. Tới nay có 2 thuyết về tác giả thực của tác phẩm này. Gần đây đã có một người bỏ 16 năm nghiên cứu và đầy đủ bằng chứng chứng minh rằng Hồng Lâu Mộng là của Tào Tuyết Cần[1].

Hồng Thăng

Hồng Thăng là một văn nhân cuối đời Minh, là tác giả của bộ truyện "Trường Sinh điện".

Tại cuộc hội thảo học thuật Tây Khê văn hoá và "Hồng Lâu mộng" tổ chức năm 2006 tại Hàng Châu, những người tham dự đã đưa ra một loạt chứng cứ để phản bác một loạt quan điểm trước nay của các nhà Hồng học, trong đó có việc tác giả Hồng Lâu mộng không phải là Tào Tuyết Cần, nguyên mẫu của Đại Quan viên chính là Tây Khê – quê hương của Hồng Thăng, nguyên mẫu của 12 người đẹp "Kim Lăng thập nhị kim thoa" chính là "Tiêu Viên thư muội".

Theo tác giả Lưu Mộng Khê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Trung Quốc, Phái Tố Cấp trong giới Hồng học ở đại lục đều cho rằng: Tác giả của Hồng Lâu mộng không phải là Tào Tuyết Cần mà là Hồng Thăng. Thân thế và sự nghiệp của Hồng Thăng đều có ghi rõ trong "Hàng Châu sử chí", xã hội thời Minh rất cởi mở, giống như chuyện trong Hồng Lâu mộng. Còn Tào Tuyết Cần thì từ trước năm 13 tuổi đã sống ở miền Nam, qua nghiên cứu thấy giữa Tào Dần (ông nội của Tào Tuyết Cần) và Hồng Thăng có sự giao lưu với nhau.

Theo Học giả Thổ Mặc Nhiệt, một nhà nghiên cứu Hồng Lâu mộng: Tào Tuyết Cần là nhân vật không tồn tại trong lịch sử. Theo ghi chép sử liệu thì Hồng Viên (trang trại họ Hồng) ở Hà Chư Đông, là nơi ở cuối đời của Hồng Chung – ông tổ của Hồng Thăng. Theo khảo sát của Thổ Mặc Nhiệt thì đây chính là nguyên mẫu của Di Hồng Viện; còn Tây Khê Sơn trang, hay Trúc Song, là nguyên mẫu của Tiêu Tương quán trong Hồng Lâu mộng. Theo phân tích của Thổ Mặc Nhiệt về bối cảnh Hồng Thăng sáng tác Hồng Lâu mộng, Hồng Thăng sinh năm 1645, đúng lúc quân Thanh xuống Giang Nam gây nên cảnh binh loạn.

Tào Dần

Thuyết thứ hai được các báo Trung Quốc đề cập khá lâu (từ năm 1991) cho rằng: tác giả là Tào Dần chứ không phải Tào Tuyết Cần. Các học giả theo thuyết này đưa ra các dẫn chứng sau để chứng minh Tào Tuyết Cần không phải là tác giả Hồng Lâu mộng.

  • Khi Tào Tuyết Cần có tác phẩm nào, bạn bè ông thường làm thơ đề cập tới tác phẩm đó, nhưng không thấy trong trước tác của bạn bè ông nói về việc ông viết Hồng Lâu Mộng.
  • Tào Tuyết Cần sinh ra khi gia cảnh đã sa sút, không thể mô tả kỹ lưỡng những cảnh phồn hoa của gia đình trong Hồng Lâu Mộng.
  • Dẫn chứng quan trọng nhất: Tào Dần có bút danh là Chỉ Nghiên Trai, theo Hán tự, khi làm phép chiết tự thì ra 3 chữ Giả Bảo Ngọc là nhân vật chính trong tác phẩm. Giả Bảo Ngọc luôn được các nhà nghiên cứu coi là hiện thân của tác giả Hồng Lâu Mộng.

Tuy nhiên, những người theo thuyết này cho rằng Tào Dần chỉ là chú hoặc người trong họ của Tào Tuyết Cần, không phải là ông nội. Tào Dần đã sống trong thời gian gia đình còn thịnh vượng và vẫn sống sau khi Tuyết Cần đã mất. Do sự quản lý nghiêm ngặt về văn chương của nhà Thanh khi đó, Tào Dần phải lấy tên người đã qua đời làm tác giả của tác phẩm của mình để tránh tai vạ.